THIẾU NƯỚC SINH HOẠT DÙ RẰNG NẰM NGAY BỜ SÔNG MÃ.

Nhiều ngày nay, hàng nghìn người dân ở xã Yên Thọ (Yên Định, Thanh Hóa) dù sống ngay sông Mã nhưng lại thiếu nước sinh hoạt trầm trọng khiến cuộc sống bị đảo lộn. Không khó để nhận thấy sông Mã ngày càng cạn trơ đáy.

Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc khảo sát, xác minh. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến tình trạng mực nước ngầm tại xã Yên Thọ bị tụt là do mực nước sông Mã xuống thấp. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát địa chất trước đó cho thấy, toàn bộ diện tích của xã Yên Thọ nằm trên bãi bồi, phía dưới là một tầng cát dày hơn 20m, khả năng giữ nước ngầm của tầng cát này rất hạn chế.
Khi nước sông xuống thấp, sẽ khiến cho nước ngầm rút với tốc độ nhanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến những biện pháp tạo nguồn từ phía bề mặt không phát huy hiệu quả. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát dọc theo con sông Mã đoạn qua xã Yên Thọ xảy ra trong nhiều năm cũng là nguyên nhân khiến lòng sông bị tụt sâu.
Người dân sinh sống tại đây đã nhiều đời nay nhưng tình trạng mất nước chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là do tỉnh Thanh Hóa cho xây dựng dày đặc các công trình thủy điện phía thượng nguồn. Hiện tại, Bộ Công thương đã quy hoạch 22 dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá với tổng công suất 832MW. Trong đó, đã có 10 nhà máy vận hành phát điện, nộp ngân sách khoảng 500 tỷ đồng 1 năm; 3 dự án đang triển khai thực hiện; 2 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và 7 dự án tuy có trong quy hoạch, nhưng chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Việc quy hoạch quá nhiều thủy điện trên thượng nguồn, trong đó có sông Mã đang tạo ra nhiều hệ lụy đối với người dân. Mùa khô thủy điện tích nước dẫn đến hạn hán vùng hạ lưu, mùa mưa các thủy điện thi nhau xả lũ dẫn đến nhiều địa phương thường xuyên bị ngập úng. Quá trình xây dựng thuỷ điện và tái định cư đã làm cho một số diện tích rừng tự nhiên, đất sản xuất bị mất; phong tục, tập quán sinh sống lâu đời của người dân bị ảnh hưởng. Quy trình xả lũ, dự báo đón lũ của các nhà máy thuỷ điện còn nhiều bất cập, chưa có sự quản lý, giám sát đồng bộ, công khai.
Khi nhận được báo cáo của UBND xã Yên Thọ, phía UBND huyện Yên Định và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã về kiểm tra, đồng thời chỉ đạo thực hiện phương án mở cống dẫn nước từ kênh dẫn thuộc hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã vào kênh nội đồng, nhưng tình hình vẫn không cải thiện.
Thực tế, không chỉ xã Yên Thọ xảy ra tình trạng trên, mà phía bên kia bờ sông Mã thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc cũng xảy ra tình trạng tương tự, khi các giếng khoan của nhiều hộ dân cũng cạn kiệt nguồn nước. Cuối năm 2018 trên địa bàn xã này có khoảng gần 200 – 300 hộ dân lâm vào tình trạng cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt. Buộc họ phải khoan giếng mới sâu hơn so với những chiếc giếng cũ để tìm nguồn nước sạch.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGHỆ THUẬT VẢI BOJAGI BỌC ĐỒ CỦA XỨ HÀN.

VÁY DẠ HỘI ĐƯỢC LÀM TỪ GIẤY CỦA NHỮNG NHÀ THIẾT KẾ NỔI TIẾNG.

Ly giấy thân thiện với cả người sử dụng và môi trường.