GIA TĂNG THIỆT HẠI DO NẮNG HẠN.
Nắng hạn kéo dài làm cho các ao, hồ, sông, suối ở Gia Lai đang dần cạn kiệt nguồn nước, khiến sản xuất cũng như cuộc sống của người dân hết sức khó khăn.
Các địa phương khu vực Tây Nguyên đang đối mặt với hạn hán đỉnh điểm nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Trên địa bàn huyện Đak Pơ có 20 công trình thủy lợi, phục vụ nước tưới cho gần 480 hecta cây trồng. Thế nhưng, hiện chỉ còn 2 công trình đảm bảo được nguồn nước tưới.
Theo dự báo, mùa mưa năm nay ở Gia Lai sẽ đến muộn hơn so với quy luật. Do vậy, tình trạng hạn hán, thiếu nước trầm trọng khả năng sẽ tăng trong thời gian tới.
Ở tỉnh Bình Thuận, trong 3 tháng qua đã diễn ra tình trạng nắng hạn, không có mưa liên tục, một số nơi có mưa nhưng lượng mưa không đều và ít.
Thiệt hại nặng nhất là huyện Bắc Bình với hơn 4.400ha, huyện Hàm Thuận Bắc với gần 840ha. UBND các huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tốt với UBND các xã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, tổ chức tuyên truyền dùng nước tiết kiệm, khai thác nước ngầm, khoan, đào giếng ở những vùng có điều kiện, đào ao trữ nước...
Tại vùng nguyên liệu của nhà máy đường Tuy Hòa, tính đến thời điểm này, đã có 1.500 ha mía khô héo, trong đó, diện tích mía chết chiếm từ 50 - 70%. Tại vùng nguyên liệu của nhà máy đường KCP Sơn Hòa, khô hạn làm 70% diện tích bị ảnh hưởng, năng suất có thể giảm đến 50%.
Xã Suối Bạc là vùng trồng mía lớn nhất huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Nắng hạn kéo dài khiến 70% diện tích mía của xã này bị khô héo.
Kể từ khi bước vào vụ mía từ đầu năm tới nay, ở Phú Yên gần như không mưa. 85% diện tích mía trong hơn 26.000 ha trồng niên vụ này lại không chủ động nước tưới nên thêm một ngày trời nắng là thêm những ruộng mía bị khô héo.
Nhận xét
Đăng nhận xét