NGHỀ NÔNG LÀ NGHỀ CỦA TRI THỨC.
Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nhiều quốc gia cũng đồng nghĩa với quá trình di dân từ làng quê lên phố thị, người nông dân bỗng chốc trở thành thị dân. Và rồi, nhiều người chỉ biết chép miệng thở dài. Và rồi, lại “bi kịch hóa” nghề nông, “bi lụy hóa” người nông dân, “bi thương hóa” làng quê.
Rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, nghề nông quê mình rơi vào tình trạng chật vật tìm lối ra, và người làm nghề nông bị xếp “chiếu dưới” trong các thang bậc của xã hội. Thật chạnh lòng khi nghe một bà mẹ nông dân trách: “Cho con đi ăn học đàng hoàng, tưởng sau này làm ông này bà nọ, làm thầy làm chú, làm kỹ sư, bác sĩ, hoặc làm doanh nhân cho “nở mặt nở mày với tổ tiên, với lối xóm bà con” mà giờ đây lại quay về làm nghề nông là sao?”.
Thì đó, cái gì văn minh, đèn “ngọn xanh ngọn đỏ” thì thuộc về thành thị, cái gì lạc hậu, đèn “ngọn tỏ ngọn lu” lại thuộc về nông thôn. Cuộc sống làng quê trầm lắng do thưa thớt dần, đơn điệu do suốt ngày chỉ quanh quẩn vườn tược, ruộng nương... Và cái khó, cái nghèo lại tiếp tục đeo đẳng nghề nông, đeo bám người nông dân, như “con sãi ở chùa” thì chịu cảnh “quét lá đa”.
Vậy mà, ở xứ người ta lại có cách tư duy khác. Mặc dù là đất nước công nghiệp đi trước xứ mình vài chục năm nhưng những giá trị về nghề nông, về “người nông” vẫn được trân quý như trăm năm trước khi còn là đất nước nông nghiệp. Vấn đề là họ xem làm nông cũng như bao nghề khác, nghề nông là nghề của tri thức, nông dân phải là người trí thức. Được tri thức hóa thì dù làm bất cứ nghề nào cũng mang lại giá trị cao, nghề nông cũng vậy.
Làm nông mà có được tri thức thì sẽ thu nhập cao hơn trên cùng một diện tích. Làm nông mà có tri thức sẽ hiểu được bản chất cung cầu của thị trường để tìm cách bảo quản, chế biến mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Làm nông mà có tri thức thì biết cách bán tối ưu giá trên cùng một sản lượng như nhau.
Ai là đội quân làm nên thanh bình cho xứ sở này nếu không là lực lượng nông dân và từ nông thôn? Vậy mà đây đó lực lượng này lại thiếu vắng trong các bản kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những chương trình đào tạo nghề cho nông dân thường chỉ quanh quẩn chuyện kỹ thuật nuôi trồng, may đan...
Trong nền kinh tế thị trường, người nông dân đâu chỉ cần đến kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải hiểu rằng sản phẩm sẽ có giá trị gia tăng cao hơn nếu có được hàm lượng tri thức. Trong mua bán, người nông dân còn phải biết cơ bản về quy luật cung cầu để tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tối thiểu hóa chi phí và nâng cao chất lượng nông sản do mình làm ra.
Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh nhỏ xíu thì mỗi người nông dân có thể tối ưu hóa cuộc sống và nghề nông của mình. Câu chuyện phát triển bền vững đâu chỉ trong các diễn đàn mang nặng tính hàn lâm, mà phải làm sao đến được người nông dân, những người mới thật sự làm nên sự bền vững.
Nhận xét
Đăng nhận xét