TPHCM SẼ LÀ BÊ ĐỠ VỮNG CHẮC CHO VÙNG ĐẤT 20 TRIỆU DÂN PHÁT TRIỂN.
Cùng với những đầu tư về hạ tầng, kết hợp chuyển đổi sản xuất phù hợp, liên kết ĐBSCL - TP.HCM sẽ là bệ đỡ vững chắc cho vùng đất 20 triệu dân phát triển.
Nhắc đến ĐBSCL là nhắc đến nguồn cung lúa gạo, thủy sản, trái cây của cả nước. Do đó, có thể nói rằng giá cả bữa cơm hàng ngày của chúng ta sẽ biến động nếu ĐBSCL không đứng vững trước biến đổi khí hậu. Theo đó, có thể thấy rằng sự phát triển ổn định, bền vững của vùng đất 20 triệu dân này chính là mục tiêu hàng đầu hiện nay.
Đến lúc này, ĐBSCL vẫn "an toàn" cũng như có những thay đổi toàn diện sau 2 năm phát triển thuận theo tự nhiên. Thuận thiên nên nước mặn cũng trở thành tài nguyên. Chính quyền, nông dân miền Tây nhạy bén chuyển đổi sang luân canh lúa - tôm bền vững. Diện tích này hiện đạt khoảng 200.000ha, tăng gần 3 lần so với năm 2000. Cũng nhờ thuận thiên, tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL năm 2018 đạt mức ấn tượng 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Điều này cho thấy, Nghị quyết 120 đã giúp khu vực này phát triển đúng hướng.
Để phát triển bền vững trước biến đổi khí hậu, hạ tầng giao thông chính là lực cản lớn nhất của ĐBSCL. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân bổ 2 tỷ USD cho khu vực này trong 5 năm tới nhằm đẩy nhanh các dự án cấp bách. Theo các chuyên gia, để Nghị quyết 120 thực sự đi vào chiều sâu, vẫn còn chuyện phải bàn, nhất là vấn đề liên kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao TP.HCM làm "nhạc trưởng" điều phối cơ chế này. Trong thời gian tới sẽ có những quyết sách cụ thể hơn về vấn đề liên kết, nối tiếp cho việc triển khai Nghị quyết 120 ở ĐBSCL.
Tại các phiên thảo luận, nhiều địa phương cho rằng, mặc dù đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu như xoay trục sản xuất, chuyển từ lúa gạo - rau quả - thủy sản thành thủy sản - rau quả - lúa gạo, phát triển tôm thành ngành công nghiệp mũi nhọn gắn với việc xem nước mặn là tài nguyên, tuy nhiên, khi thực hiện còn nhiều lúng túng và khó khăn.
Nhận xét
Đăng nhận xét