MỨC SỐNG TỐI THIỂU SẼ QUYẾT ĐỊNH MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU.
Hội thảo tham vấn và chia sẻ các khuyến nghị đối với Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến người lao động được đề cập trong hội thảo, tuy nhiên vấn đề tiền lương vẫn thu hút quan tâm của đông đảo đại biểu tham gia.
Theo như Nghị quyết số 27 - NQ/TW của Ban chấp hành trung ương khóa XII đã nêu rõ: "Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động (NLĐ) yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động". Nghị quyết cũng nêu rõ mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân và gia đình họ.
Từ vấn đề tiền lương rất nhiều đại biểu tham dự hội thảo đến từ nhiều đơn vị khác nhau băn khoăn về mức sống tối thiểu. Định nghĩa như thế nào về mức sống tối thiểu để làm căn cứ xác lập mức lương tối thiểu cho người lao động đảm bảo được cuộc sống của họ.
Mức lương tối thiểu đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định cuộc sống của người lao động cũng như năng suất lao động tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, tiền lương còn có thể được sử dụng cho các doanh nghiệp trong việc đàm phán giá đơn hàng. Hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có thâm dụng lao động lớn như may mặc, da giầy, điện tử, chỉ trả lương cho người lao động bằng hoặc tăng không đáng kể so với mức lương tối thiểu.
Và khi mức lương tối thiểu không đảm bảo cuộc sống là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc đình công. Thực tế đã chứng minh, ngành dệt may và da giầy là hai ngành có mức lương thấp nhất và cũng chính là hai ngành có tỷ lệ đình công cao nhất. Trong năm 2018, ngành dệt may có 84 cuộc đình công (chiếm 39, 25%), ngành da giầy có 44 cuộc đình công (chiếm 20,56%) tổng số cuộc đình công trên cả nước.
Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, trong quy định luật lao động cần định nghĩa rõ về mức sống tối thiểu của NLĐ để có căn cứ xác lập mức lương tối thiểu áp dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét