NGUY CƠ NHỮNG VÙNG BIỂN CHẾT VÌ RÁC THẢI NHỰA.
Nhiều địa phương ven biển đang tích cực triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, liên kết làm sạch biển và nói không với rác thải nhựa.
Gần 300 người là dân cư, công nhân, các đối tác địa phương thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã thu gom được hàng tấn rác thải nhựa ở ven biển. Các hoạt động này đã góp phần tích cực xóa bỏ những điểm nóng về ô nhiễm rác thải nhựa.
Những hoạt động liên kết chống rác thải nhựa đang diễn ra ngày một nhiều ở Vũng Tàu cũng như nhiều tỉnh, thành ven biển, góp phần giảm rác thải nhựa trôi nổi ra biển. Tại thị trấn Phước Hải, mỗi ngày phát thải khoảng 17 tấn rác sinh hoạt, trong đó 1/3 là rác thải nhựa.
Hàng loạt các doanh nghiệp ở Việt Nam đã chính thức tham gia Liên minh chống rác thải nhựa, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, tổ chức xã hội, cộng đồng, cùng chung tay ngăn chặn sự gia tăng của rác thải nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần.
Những vùng "biển chết" bởi rác thải nhựa là nguy cơ đang đến rất gần. Một số nghiên cứu đã tính toán, các đại dương trên toàn cầu phải hứng chịu khoảng 12 triệu tấn rác nhựa mỗi năm, trong đó vùng Biển Đông tiếp nhận khoảng một nửa lượng rác này.
Các mảnh vi nhựa được ghi nhận là chất gây ô nhiễm biển nổi lên rất đáng ngại, độ khuếch tán rộng cùng với độc tính tiềm tàng rất cao. Theo ghi nhận của các nhà khoa học, đã có 373 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng do vướng hoặc nuốt phải nhựa và vi nhựa. Con số này tăng đến 40% so với năm 1997.
Để chấm dứt mối nguy rác thải nhựa ở biển, mỗi người đều phải có ý thức bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào ý thức sẽ khó để cứu đại dương khỏi rác thải nhựa. Quản lý rác thải nhựa đang là công việc được nhiều quốc gia đang chú trọng. Hiện tại, có ít nhất 127 nước hoặc đã cấm hoặc đã đánh thuế với túi nhựa. Nhiều chuyên gia cho rằng, để cứu đại dương thoát khỏi rác thải nhựa, điều mấu chốt là phải có những chính sách quản lý rác thải nhựa.
Nhận xét
Đăng nhận xét