DỰ ÁN CAO TỐC TRUNG LƯƠNG - MỸ THUẬN, THAY BAN ĐIỀU HÀNH.
Dự án BOT Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận gần như đã được “thay máu”: thay cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ cấu lại nhà đầu tư, thay đổi phương án hỗ trợ của Nhà nước… Với những thay đổi này, nhất là sự tham gia của nhà đầu tư mới, liệu Dự án có về đích đúng như kế hoạch vào cuối năm 2020?
Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư 9.668 tỷ đồng, được khởi công lần đầu vào năm 2009. Liên danh nhà đầu tư thực hiện Dự án gồm Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (30%), Công ty TNHH Yên Khánh (30%), Công ty CP Đầu tư xây dựng BMT (10%), Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi (10%), Công ty CP Hoàng An (10%) và Công ty CP Đầu tư cầu đường CII (10%). Doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Sau 10 năm từ ngày khởi công, Dự án vẫn ì ạch, nguy cơ vỡ tiến độ. Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), vướng mắc chính liên quan đến lãi suất, phần hỗ trợ của Nhà nước vào Dự án và chưa đáp ứng đủ các điều kiện tiên quyết để giải ngân vốn vay của hợp đồng tín dụng dù đã ký hợp đồng với các ngân hàng VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank để vay 6.850 tỷ đồng.
Để giải quyết vướng mắc của Dự án, tháng 3 vừa qua, Thường trực Chính phủ yêu cầu các đơn vị chức năng điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, tiến độ tổng thể và tổng mức đầu tư. Đồng thời, làm việc với ngân hàng cung cấp tín dụng để thẩm định lại phương án tín dụng cho Dự án và yêu cầu các nhà đầu tư cam kết hoàn thành thông tuyến trong năm 2020. Chính phủ cũng đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang, đồng thời thay đổi cơ chế hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước. Cuối tháng 3/2019, Dự án chính thức được chuyển quản lý nhà nước về UBND tỉnh Tiền Giang.
Đáng chú ý, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (DCG) đã tham gia vào Dự án thay thế cho Công ty TNHH Yên Khánh. Lý do thay đổi là Công ty TNHH Yên Khánh đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ Dự án. Đặc biệt, các ngân hàng tài trợ vốn cho Dự án yêu cầu buộc phải có nhà đầu tư thay thế Yên Khánh thì mới chấp thuận tiếp tục giải ngân hợp đồng tín dụng.
Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT DCG, đã trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Sự “thay máu” trong cơ cấu nhà đầu tư được kỳ vọng giúp Dự án về đích đúng hẹn, bởi trước đó ít lâu, sự tham gia của DCG vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cũng đã giúp “giải cứu”, thúc đẩy tiến độ dự án cao tốc này.
Nhận xét
Đăng nhận xét